Nghề nuôi cá ở Việt Nam Cá hú

Địa bàn tập trung nuôi

Vùng Đồng bằng sông Cửu long mỗi năm cung cấp một lượng cá hú hàng ngàn tấn từ các bè cá nuôi. Nghề nuôi cá hú trong bè vẫn chủ yếu tập trung ở vùng Châu Đốc, Tân châu (An giang), Hồng ngự, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Mỹ Tho (Tiền Giang). Hiện nay đã có nhiều địa phương khác cũng nuôi cá hú trong bè và cung cấp tại chỗ nguồn cá thịt đáng kể.

Nguồn giống cá hú trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào vớt trong tự nhiên bằng câu hoặc các hình thức thu bắt cá giống khác để ương thành giống lớn và cung cấp cho các bè nuôi thịt. Từ năm 1999, Việt Nam đã chủ động sản xuất giống nhân tạo cá hú và từng bước cung cấp đủ cho nhu cầu nuôi ở các địa phương. Cá hú hiện đang có sản lượng nuôi bè đứng thứ ba sau cá tra và ba sa.

Một số kĩ thuật nuôi

Bè nuôi cá thịt ở đồng bằng sông Cửu long hiện nay có nhiều kích cỡ khác nhau, từ nhỏ hơn 100m3 đến 500m3, cỡ lớn nhất khoảng 1.600 m3. Bè có khung bè bằng gỗ tốt; mặt bè có nắp đậy và nâng hạ được để cho cá ăn, kiểm tra và thu hoạch cá. Đầu bè đóng lưới kim loại để nước lưu thông. Đáy bè đóng ván kín có để khe hở nhỏ. Phao ghép bằng các thùng phuy, thùng nhựa. Bè được neo cố định và chắc chắn. Vị trí đặt bè thường chọn nơi tiện lợi cho nuôi cá và không làm cản trở giao thông, gần nơi cung cấp thức ăn, thuận tiện giao thông thủy bộ và buôn bán cá dễ dàng.

Các tỉnh đồng bằng sông Cửu long có thể thả giống nuôi quanh năm. Hiện nay chúng ta đã sản xuất đủ con giống nhân tạo, nên mùa vụ thả có thể chủ động theo khả năng nuôi của từng cơ sở. Cá thả nuôi phải khỏe mạnh, đồng cỡ, không có bệnh, không bị xây sát, dị hình. Trước khi thả cá phải tắm nước muối 2% để loại bỏ ký sinh trùng bám trên thân cá. Mật độ nuôi 80-120 con/m3 bè. Hiện nay đa số bè nuôi sử dụng thức ăn hỗn hợp tự chế biến, thức ăn tự chế biến dùng nguyên liệu địa phương và chế biến thức ăn tại bè và tận dụng được lao động trong gia đình.

Nguyên liệu chế biến thức ăn tự chế biến rất phong phú như cá tạp tươi, khô, bột cá, cám, tấm, bột hoặc xác củ mì, rau xanh, bánh dầu, ốc, cua.... Người nuôi phối trộn nguyên liệu đảm bảo đủ hàm lượng dinh dưỡng rồi nấu chín. Sau khi nấu chín, để nguội, thức ăn được đưa vào máy ép và cắt thành dạng sợi ngắn hoặc viên. Sau đó phơi cho se mặt cho cá ăn. Có thể trộn thêm premix khoáng và một số vitamin cần thiết.